Vỏ quả măng cụt điều trị hôi miệng và giúp giảm mụn nám
Mỗi khi thưởng thức một loại quả nào, chúng ta thường có thói quen bỏ đi phần vỏ vì nghĩ rằng chúng không có giá trị gì.
Thế nhưng, nếu chịu khó tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy vỏ quả là nơi tập trung rất nhiều hoạt chất và y học đã ứng dụng chúng trong rất nhiều trường hợp như: vỏ quả quýt, vỏ quả bưởi, vỏ quả măng cụt, vỏ quả lựu…
Nếu như quả măng cụt ngọt ngào thanh hao bao nhiêu thì vỏ của nó lại chát bấy nhiêu. Thế nhưng, cũng nhờ các chất làm nên vị chát ấy mà vỏ quả măng cụt lại giàu dược tính.
Vỏ quả măng cụt có tác dụng gì?
Vỏ quả măng cụt chứa một lượng lớn tanin (từ 7 – 13 %), có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, tạo kết tủa và làm săn se. Bên cạnh đó, vỏ quả còn chứa hợp chất đắng (xanthones), chất nhựa và một số loại mangostin… Những chất này giúp kháng viêm, sát khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm lão hoá và giúp giảm đau (1).
Không chỉ thế, hoạt chất Xanthones có trong vỏ măng cụt còn có tác dụng khử mùi hiệu quả (thông qua cơ chế diệt khuẩn), giúp hơi thở người dùng trở nên thanh mát, thơm tho hơn. Vì vậy, bạn có thể lấy một ít vỏ quả măng cụt khô, đun sôi với nước, để nguội rồi súc miệng hàng ngày (2).
Bên cạnh đó, theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam thì vỏ măng cụt còn được dùng làm thuốc điều trị tiêu chảy và kiết lỵ (nhờ có tanin giúp thu liễm).
Các dùng vỏ quả măng cụt điều trị hôi miệng
Cách dùng như sau: lấy 7 – 10 vỏ quả măng cụt, cho vào ấm đất, đổ 4 chén nước vào rồi hái miếng lá chuối đậy lên và đậy nắp lại. Sau đó, bạn nấu cho đến khi nước sôi và có màu thật đậm thì đổ ra, chia thành 3 lần uống trong ngày.
Với trường hợp phụ nữ bị huyết trắng (khí hư, bạch đới), ta cũng có thể lấy vỏ quả, nấu lấy nước, để nguội rồi rửa (3).
Vỏ quả măng cụt và tác dụng làm đẹp
Vỏ quả măng cụt được ứng dụng trong làm đẹp vì có tác dụng kháng viêm, giảm ngứa, giảm dị ứng, giảm thâm nám, làm chậm lão hóa da và điều trị mụn (qua cơ chế giảm nhờn, kháng khuẩn).
1. Mặt nạ giúp giảm mụn, giảm viêm
Trước tiên, bạn dùng muỗng cạo lấy phần thịt của vỏ măng cụt (phần thịt vỏ mềm bên trong), cho vào chén rồi tán nhuyễn, sau đó cho thêm 3 – 4 muỗng dầu oliu vào và trộn đều.
Tiếp theo, bạn rửa mặt thật sạch rồi thoa hỗn hợp ấy lên da mặt, sau đó nằm thư giãn từ 15 – 20 phút và rửa lại với nước. Với loại mặt nạ này, bạn có thể đắp 2 hoặc 3 lần mỗi tuần, như thế thì tình trạng mụn viêm của bạn sẽ giảm đáng kể.
2. Mặt nạ dưỡng sáng da, giảm thâm nám
Để giúp da giảm thâm nám và trắng sáng hơn, bạn hãy dùng muỗng, cạo lấy phần thịt của vỏ măng cụt, cho vào chén rồi tán nhuyễn, sau đó cho thêm 1 muỗng mật ong, nửa muỗng nước cốt chanh vào và trộn đều.
Tiếp theo, bạn rửa mặt thật sạch rồi thoa phần hỗn hợp đó lên da, cũng nằm thư giãn từ 15 – 20 phút (mặt nạ này cũng có thể đắp 2 – 3 lần mỗi tuần, như vậy thì da bạn sẽ bớt thâm nám và sáng lên trông thấy).
Lưu ý: Hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng vỏ măng cụt làm thuốc điều trị bệnh.