Hai bài thuốc điều trị đau dạ dày từ hạt đậu rồng
Giữa cái trưa nắng gắt tầm khoảng ba mươi, ba mươi mấy độ mà được ngồi thong thả, ung dung dưới giàn đậu rồng xanh mướt thì quả là còn gì bằng!
Bởi thế, sau mấy lần tân trang cho khu vườn mỗi độ sang xuân, cha tôi có chặt bỏ hay cải tạo bất kỳ loại cây nào thì ông cũng không nỡ bỏ đi cái giàn đậu rồng sai trĩu quả của mẹ.
Đem đậu rồng đi xào, luộc hay nấu canh đều được. Ngoài ra, cha tôi còn quý loài cây này vì nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo kinh nghiệm dân gian, hạt đậu rồng khô có thể làm thuốc giúp nhuận tràng và cải thiện tình trạng đau dạ dày, viêm loét dạ dày.
Hạt đậu rồng và bệnh dạ dày
Các chuyên gia nghiên cứu y học dân tộc cho biết hạt đậu rồng là loại thực phẩm rất tốt cho đường ruột. Trong hạt đậu rồng có chứa chất đạm, các vitamin cùng các khoáng chất như magie, canxi, phốt pho…
Đặc biệt, protein trong hạt đậu rồng có thể thay thế cho đạm động vật nên rất tốt cho sức khỏe của người ăn chay. Ngoài ra, loại hạt này còn có tác dụng nhuận tràng, giảm tình trạng táo bón và kích thích tiêu hoá.
Vì vậy, nếu sử dụng hạt đậu rồng đúng cách thì sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày, chống xuất huyết dạ dày (thông qua cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày). Ngược lại, nếu ăn quá nhiều thì hàm lượng protein có trong hạt đậu rồng có thể gây cản trở quá trình tiêu hóa của đường ruột.
Điều trị viêm loét dạ dày từ hạt đậu rồng khô kết hợp với mật ong
Mật ong là một trong những vị thuốc tốt cho hệ tiêu hóa, được cả Tây y và Đông y công nhận. Trong dân gian, mật ong cũng được kết hợp với hạt đậu rồng trong bài thuốc sau:
- Thành phần: Hạt đậu rồng khô (8 đến 10 hạt ) và 1 – 2 muỗng mật ong nguyên chất.
- Cách thực hiện: Lấy hạt đậu rồng khô rồi rang lên cho thơm vàng rồi cho vào cối để giã nhuyễn, nghiền nát như bột. Sau đó, bạn trộn bột đậu rồng với 1 – 2 muỗng mật ong rồi uống.
- Công dụng: điều trị viêm loét dạ dày.
- Số lần dùng: Với bài thuốc này, bạn nên sử dụng 2 lần mỗi ngày và uống trước bữa ăn khoảng 30 phút (thường thì sử dụng từ 20 đến 30 ngày sẽ thấy cải thiện tình trạng bệnh).
Gợi ý và lưu ý:
- Có thể xay nhuyễn sẵn một lượng lớn hạt đậu rồng (khoảng 100 – 150 gram) rồi bảo quản trong lọ sạch, đậy kín và sử dụng theo liều lượng bột tương đương với 10 hạt.
- Khi rang hạt đậu rồng, bạn nhớ để lửa vừa và quan sát kỹ, tránh để hạt đậu rồng bị cháy khét (vì sẽ không mang lại hiệu quả cao).
Điều trị đau dạ dày từ hạt đậu rồng và muối
Ngoài bài thuốc trên thì dân gian còn một bài thuốc khác nữa (cũng điều trị đau dạ dày), đó là:
Lấy 10 hạt đậu rồng (đã phơi khô), rang với muối trắng cho thơm vàng. Sau đó, bạn để nguội và nhai nhuyễn, ăn như các loại hạt thông thường và nuốt từ từ cùng một ít nước (bạn cũng có thể xay, giã nhuyễn hạt đậu rồng khô, sau đó dùng khoảng 2 muỗng bột đậu rồng hòa với nước lọc cho dễ uống).
Thời gian dùng: Dùng vào mỗi buổi sáng, trước khi ăn khoảng 30 phút và nên dùng đều đặn hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Một số lưu ý khi sử dụng hạt đậu rồng
- Nên chọn những quả đậu rồng đã già, hạt to, cứng, không bị sâu, lép.
- Người bị dị ứng với đậu rồng hoặc các loại đậu nói chung thì không nên ăn.
- Đậu rồng có chứa axit oxalic nên người bị Gút (thống phong) hoặc sỏi đường tiết niệu (do oxalate tích tụ) thì không nên dùng.
- Nên uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày (bao gồm nước uống và nước trong các món ăn) để việc đi tiểu được thuận lợi hơn, tránh bị sỏi bàng quang khi ăn nhiều đậu.
Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng cần tạo cho mình lối sống và sinh hoạt lành mạnh để đạt được hiệu quả tốt nhất. Sau một thời gian dùng, nếu vẫn không có dấu hiệu cải thiện bệnh thì bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để có phương pháp điều trị phù hợp.