Bài thuốc dân gian điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng bằng phương pháp xông
Viêm xoang, viêm mũi dị ứng là một căn bệnh phổ biến, thường gặp về đường hô hấp và có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau.
Giờ đây, với sự phát triển của y học, việc điều trị căn bệnh viêm xoang không còn là vấn đề quá khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấy e ngại đối với việc điều trị viêm xoang bằng thuốc Tây y (dưới dạng uống hay dạng xịt…) bởi một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng.
Vì vậy, nhiều người đã ưu tiên sử dụng các bài thuốc Đông y, kết hợp từ những loại dược liệu quen thuộc, gần gũi. Không chỉ đơn giản về liệu trình điều trị, tiết kiệm tối đa chi phí mà các bài thuốc này còn mang lại hiệu quả lâu dài đối với người bệnh (tuy nhiên cũng cần kiên trì dùng mới thấy hiệu quả).
Trong đó, có thể nói đến bài thuốc xông mũi từ lá lốt, tỏi và củ gừng tươi giúp điều trị viêm xoang.

Viêm mũi
Cách thực hiện bài thuốc xông giúp điều trị viêm xoang
- Nguyên liệu chuẩn bị: một nắm lá lốt (khoảng 5 đến 7 lá), 1 khúc củ gừng tươi (to bằng ngón tay cái) và 1 tép tỏi (tỏi nhỏ thì 2 tép).
- Bước 1: Đem tất cả các loại dược liệu rửa sạch (riêng lá lốt thì nên ngâm với nước muối loãng trước khi rửa sạch lại với nước).
- Bước 2: Lấy lá lốt thái thành các sợi nhỏ, bóc vỏ tỏi cho sạch và giã củ gừng ra cho hơi nát (để các nguyên liệu như thế khoảng 10 phút).
- Bước 3: Múc một chén nước đổ vô nồi, khi nước sôi thì cho các nguyên liệu vào rồi đun thêm 5 phút thì tắt bếp. Lúc này, ta tiến hành xông hơi.

Xông hơi
Cách xông mũi:
Cách 1: Lấy một cái khăn vừa phải để trùm kín (sao cho che phủ phần đầu và cả nồi thuốc). Tiếp đó, bạn mở nắp nồi từ từ cho đến khi đã cảm nhận hơi ấm nóng vừa phải thì đưa phần mũi và miệng vào để hít hơi thuốc (lưu ý do nước trong nồi khá nóng nên bạn mở nắp từ từ, không mở quá nhanh vì sẽ gây bỏng).
Cách 2: Đổ phần nước thuốc và cả phần cái vào một cái bình giữ nhiệt. Sau đó, bạn hé phần miệng của bình ra (vị trí dùng để uống ) và đưa mũi vào hít, sau đó cũng đưa miệng vào hít.
Số lần dùng: Mỗi lần xông từ 20 – 30 phút cho đến khi cảm nhận thuốc không còn ấm nóng và bốc hơi nữa. Để mang lại hiệu quả cao thì bạn nên xông 2 lần/ ngày (vào buổi sáng và tối), thực hiện xuyên suốt theo quy trình 1 ngày làm, 1 ngày nghỉ cho đến khi bệnh được cải thiện. Chúc bạn thành công!
Thông tin thêm về các thành phần của bài thuốc trên
- Về lá lốt: Theo kinh nghiệm dân gian, lá lốt có thể làm giảm đau nhức, giúp kháng viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Từ lâu, dân gian cũng đã dùng lá lốt trong các bài thuốc giúp cải thiện và phục hồi tình trạng viêm trong hốc xoang (1). Mặt khác, theo y học hiện đại, lá lốt cũng có chứa một số hợp chất giúp kháng viêm và sát khuẩn tốt như Flavonoid, Beta-caryophyllene … (2). Vì vậy, bài thuốc dân gian kể trên dùng lá lốt cũng có cơ sở của nó.
- Về củ tỏi: Không chỉ là loại gia vị trong các bữa ăn hằng ngày, tỏi cũng được xem là vị thuốc phổ biến trong dân gian (dùng để điều trị các chứng viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi…). Trong y học hiện đại, củ tỏi được biết đến với nhiều hoạt tính quý như: giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch và ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn, vi rút lạ. Ngoài ra, khi bạn đập giập tép tỏi và để một lát trong không khí thì nó sẽ hình thành hoạt chất Allicin giúp kháng khuẩn, kháng virus…(3).
- Củ gừng: Củ gừng không chỉ là vị thuốc giúp ấm bụng, dễ tiêu, điều trị lạnh bụng mà còn giúp cải thiện tình trạng viêm xoang (nhờ mùi hương thơm cay làm thông khoang mũi và tinh dầu giúp kháng khuẩn). Trong dân gian, củ gừng cũng thường được dùng làm thuốc điều trị nghẹt mũi, viêm mũi và viêm xoang.
Viêm xoang là bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt. Ngay từ giai đoạn đầu, nếu bạn biết vệ sinh và làm sạch mũi đúng cách, hạn chế sự tiếp xúc với khói bụi, mùi hương gây kích ứng… thì bệnh sẽ thuyên giảm dần và không tiến triển nặng thêm. Nếu để lâu, bệnh nặng hơn, bạn sẽ phải đối diện với các triệu chứng khó chịu kinh niên của căn bệnh này, thậm chí là bị nhiễm trùng, làm mủ…
Nguồn: caythuoc.org